Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Đồ chơi trẻ em: Cảnh giác những chiêu quảng cáo

Các ông bố, bà mẹ có trẻ sơ sinh hay con nhỏ hẳn không lạ gì về hàng loạt những sản phẩm đồ chơi trẻ em trên thị trường được quảng cáo sẽ làm tăng trí thông minh và chỉ số IQ của trẻ. Ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em có giá trị gần một trăm tỉ USD, do vậy có tính cạnh tranh cao. Không thiếu những nhà sản xuất, tiếp thị sẵn sàng đưa ra những lời quảng cáo thiếu xác thực nhằm mục đích cải thiện doanh số. Sau đây là một câu chuyện cảnh tỉnh về sản phẩm nhạc cho bà bầu.

Nhạc cho bà bầu là gì?

Chỉ vài năm trước, thị trường rộ lên trào lưu cho bà bầu nghe nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc lớn như Mozart hay Beethoven. Các đĩa CD nhạc này thường được bán kèm với headphones để các bà bầu áp vào bụng cho thai nhi nghe trước khi sinh. Trích dẫn nghiên cứu khoa học và sự ủng hộ của chính phủ Mĩ, những sản phẩm này hứa hẹn sẽ làm tăng chỉ số IQ và trí thông minh của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.

ba bau, cách chăm sóc trẻ sơ sinh, cách dạy con ngoan, em be, nghe nhac ba bau, nhac, nhac em be, nhạc bà bầu, nhạc cho bà bầu, tre so sinh cham soc tre so sinh, đồ chơi trẻ em, cảnh giác, quảng cáo, quang cao
Nghe nhạc có âm lượng lớn >50dB có thể gây hại cho thính giác trẻ

Nhạc cho bà bầu được thổi phồng lên ra sao?

Năm 1993, nhà tâm lý học Frances Rauscher xuất bản một bài viết ngắn trên tạp chí Tự nhiên, báo cáo nghiên cứu khoa học về "hiệu ứng Mozart" trên 36 sinh viên đại học. 12 sinh viên, sau khi nghe nhạc Mozart trong 10 phút, thực hiện một loạt các bài kiểm tra về khả năng tư duy, phán đoán. Kết quả bài thi của 12 sinh viên này cao hơn các sinh viên còn lại chỉ trong duy nhất một bài kiểm tra: phán đoán hình thù của một mảnh giấy được gấp nhiều lần rồi cắt. "Hiệu ứng Mozart" này biến mất sau khoảng 15 phút.

Tuy hiệu ứng này chỉ có tác dụng giới hạn như trên, nhiều báo chí lập tức đồng loạt giật tít như: "Nghe nhạc Mozart làm tăng trí thông minh", hay "Tăng khả năng tư duy của trẻ bằng nhạc cổ điển". Các nhà sản xuất đồ chơi lập tức tung hàng loạt sản phẩm hứa hẹn những người sắp làm cha làm mẹ có thể sinh ra những đứa con là thần đồng. Làn sóng này mạnh mẽ đến nỗi thống đốc bang Georgia ra chỉ thị cung cấp đĩa nhạc thính phòng cho các bà bầu trong toàn bang. Thống đốc bang Florida cũng yêu cầu các nhà trẻ phải bật nhạc cổ điển trong giờ hoạt động. Các nhà tiếp thị lại càng được thế lăng xê sản phẩm của mình.

Phân tích tâm lý về trào lưu này:

Ở đây, các nhà kinh doanh sản phẩm này đã đánh thẳng vào điểm yếu tâm lý của các bậc phụ huynh. Những người làm cha mẹ luôn luôn có tâm lý muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Họ tin rằng có thể quyết định được tương lai của con em từ sớm bằng cách sử dụng những phương pháp "khoa học". Tâm lý học gọi đây là "quyết định luận trẻ em" (Infant Determinism). Theo giả thuyết này, con người có một giai đoạn phát triển mang tính chất bước ngoặt, thường ở thời gian đầu đời. Nếu trẻ không có những tương tác nhất định trong khoảng thời gian này, sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài. Tuy giả thuyết này có nhiều chứng cứ thuyết phục, nhưng không thể đem ra áp dụng phủ đầu lên mọi vấn đề về nuôi dạy con cái.

Đơn cử ví dụ, cuốn sách "Em phải đến Harvard học kinh tế" làm xôn xao dư luận những năm 2000. Cuốn sách đã bán hết ít nhất 1.5 triệu cuốn, dẫn đến hàng trăm hàng ngàn đứa bé được nuôi dạy theo phương pháp trong sách. Đương nhiên, số lượng những người thành công vào được ngôi trường này vẫn vô cùng hiếm hoi như xưa.

Lại trở lại với câu truyện về nhạc cho bà bầu, Rauscher, nhà tâm lý học đã xuất bản bài nghiên cứu đầu tiên vào năm 1993, đã dành nhiều năm nghiên cứu để có thể đi đến kết luận chuẩn xác cho vấn đề này. Đầu năm 2007, Rauscher đã tổng hợp các nghiên cứu về đề tài này cùng với các nhà nghiên cứu Đức tại Bộ Giáo Dục và Nghiên Cứu Liên Bang, và đã đưa ra kết luận là "hiệu ứng Mozart" nhìn chung không có tác dụng tăng trí thông mình. Trước đó, vào năm 1999, một nghiên cứu tổng hợp khác cũng đã đưa ra nhận định tương tự.

Lời khuyên cho những người làm cha mẹ:

Các bậc phụ huynh nên nhận ra rằng các nhà sản xuất và tiếp thị sản phẩm đồ chơi trẻ em hiểu rất rõ về tâm lý khách hàng. Trước các sản phẩm, dịch vụ hứa hẹn sản sinh ra các "thần đồng", mọi người nên có thái độ cẩn trọng, cảnh giác, nghiên cứu kĩ lưỡng qua sách vở, mạng Internet, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, đặt áp lực cho con trẻ, hay gây thất vọng không đáng có. Thay vì cho con em trở thành vật thí nghiệm cho những sản phẩm mới, những phương pháp dạy học mang tính "cách mạng", các ông bố bà mẹ nên tin tưởng vào các phương pháp nuôi dạy đã được kiểm nghiệm từ hàng trăm năm nay, được truyền dạy từ cha ông ta như: bồng bế, nuôi con bằng sữa mẹ, hát ru, v.v. Ngoài ra, mọi người nên nuôi dạy một cách linh hoạt, không cứng nhắc. Nếu thấy con trẻ có khả năng về âm nhạc, hội họa, thể thao, thì nên khuyến khích phát triển khả năng của trẻ, chứ không nên quá gò ép.

 Nguồn: Scientific American, Babycenter.com, Wikipedia